Lối chơi The Elder Scrolls IV: Oblivion

Oblivion kết hợp một lối chơi có kết thúc mở (hay còn gọi là hộp cát-sandbox). Nhiệm vụ chính có thể được hoãn hoặc bỏ qua để người chơi tùy ý khám phá thế giới trò chơi rộng lớn, đi thực hiện các nhiệm vụ phụ, tương tác với các nhân vật trong trò chơi, tiêu diệt quái vật và phát triển nhân vật của mình. Người chơi được tự do đi tới bất cứ đâu trong thế giới Cyrodiil vào bất kỳ thời điểm nào khi chơi, kể cả sau khi đã hoàn thành cốt truyện chính. Trò chơi không bao giờ kết thúc, và người chơi có thể xây dựng nhân vật của mình vô thời hạn. Hệ thống di chuyển nhanh sử dụng trong Arena và Daggerfall (tương ứng là phần 1 và phần 2 của series) đã quay trở lại -phần 3 Morrowind không có tính năng này. Khi người chơi đến một địa điểm, sẽ xuất hiện một biểu tượng trên bản đồ. Về sau người chơi có thể dịch chuyển tới vị trí đó ngay lập tức, thời gian trong game sẽ được điều chỉnh để phù hợp với độ dài của chuyến hành trình. Tuy nhiên người chơi không thể thực hiện di chuyển nhanh nếu đang trong tình trạng chiến đấu hoặc ở trong một khu vực nào đó. Trò chơi coi người chơi đang trong tình trạng chiến đấu khi có sinh vật thù địch ở gần, bất kể là người chơi hoặc sinh vật đó có nhận thức sự hiện diện của nhau hay không.

Phát triển nhân vật là một trong những nhân tố chính của Oblivion. Tại thời điểm bắt đầu game, người chơi chọn một trong rất nhiều các chủng tộc người hoặc có hình dáng giống người, mỗi chủng tộc sẽ có những khả năng riêng và có thể chỉnh sửa ngoại hình theo ý muốn của người chơi. Phát triển các kỹ năng cho nhân vật luôn là một mục tiêu chính cho người chơi. Bảy kỹ năng được chọn lúc đầu game sẽ trở thành các kỹ năng chủ đạo. Mỗi lần người chơi tăng cường được tổng cộng 10 điểm cho các kỹ năng chủ đạo này (bất kể 10 điểm này phân phối đều hay chỉ tập trung vào một kỹ năng duy nhất) thì nhân vật sẽ lên cấp; điều này cung cấp khả năng để nâng cao thuộc tính của nhân vật. Các thuộc tính này mở rộng đặc tính của nhân vật, như "sức mạnh" và "ý chí", và đi kèm với thuộc tính là các kỹ năng phụ, như "blade" (kỹ năng sử dụng dao hay kiếm) hoặc "destruction" (kỹ năng phép thuật phá hủy). Trò chơi sẽ thưởng cho người chơi những "đặc quyền" khi một kỹ năng bất kỳ của nhân vật đạt tới các cấp độ 25, 50, 75, 100. Trò chơi có tổng cộng 21 kỹ năng rơi vào các nhánh chính là melee -cận chiến, magic -phép thuật, và stealth -lén lút. Kỹ năng cận chiến là kỹ năng gần như dành riêng cho chiến đấu và kết hợp với các loại giáp cũng như vũ khí hạng nặng như đao kiếm, rìu, chùy, và búa. Kỹ năng phép thuật dựa vào việc sử dụng thần chú để làm thay đổi thế giới vật chất, hoặc khiến ảnh hưởng đến trí não người khác, hay làm tổn thương và làm suy nhược kẻ thù, và có thể triệu hồi quái vật để trợ giúp chiến đấu, cuối cùng là còn sử dụng để chữa thương. Kỹ năng ẩn nấp-lén lút cho phép người chơi bẻ khóa, mặc cả hàng hóa, sử dụng lời nói để thuyết phục người khác, và áp dụng một phương pháp chiến đấu khôn ngoan (qua cách sử dụng cung tên hoặc trong cách tấn công lén). Thần chú, vũ khí, và các dụng cụ khác như lockpicks-cái nạy ổ khóa- là những thứ mà người chơi cần để sử dụng và nâng cao các kỹ năng trên đều có thể mua được tại các cửa hàng, ăn trộm từ các nhân vật phụ, hoặc tìm thấy trên xác của kẻ thù như chiến lợi phẩm, hay ở trong các ngục tối.

Giao diện kho đồ của nhân vật trong game

Oblivion chơi được với cả hai góc nhìn thứ nhất và thứ ba. Người chơi cũng có thể thay đổi độ khó bất cứ lúc nào khi tạm dừng game. Tại mọi thời điểm người chơi luôn phải để ý đến tình trạng của nhân vật được hiển thị trên màn hình, bao gồm sự sống, phép thuật, và sức lực. Sự sống bị suy giảm chủ yếu qua việc chiến đấu và có thể phục hồi bằng phép thuật, các bình thuốc, hoặc thông qua nghỉ ngơi. Phép thuật sử dụng cho các loại thần chú và bị tiêu hao chủ yếu cho việc này, tự phục hồi dần dần sau một khoảng thời gian nhưng cũng có thể phục hồi theo cách giống như của sự sống. Hiệu quả trong chiến đấu và hiệu quả tổng quát của nhân vật được đánh giá qua chỉ số sức lực. Trong những khu vực hoang dã và khi đang trong nhiệm vụ, người chơi phải đối mặt với nhiều loại kẻ thù, bao gồm các quái vật thần thoại quen thuộc (như imp-quỷ con, goblins-yêu tinh, và ogres-quái nhân) và các loại dã thú (như gấu, sư tử, hay sói). Kẻ thù sẽ trở nên mạnh hơn và có trang bị vũ khí cùng với giáp trụ loại tốt hơn mỗi khi người chơi lên cấp. Cơ chế của game, hệ thống "tỉ lệ cấp độ", được tạo ra nhằm mục đích luôn duy trì trò chơi một độ khó ở mức trung bình. Tuy nhiên, hệ thống tỉ lệ cấp độ này nhận được khá nhiều lời chỉ trích, vì nó có khả năng làm mất sự cân bằng của trò chơi, đặc biệt là với các nhân vật với các kỹ năng chủ đạo được mặc định bởi nhà sản xuất, ví dụ như kỹ năng vận động (thông qua việc chạy bộ hoặc bơi) tăng quá chậm chạp hoặc kỹ năng giáp trụ (bằng việc bị đánh trúng trong lúc chiến đấu) lại có tốc độ lên chỉ số quá nhanh, khiến cho kẻ thù tương ứng trở nên quá mạnh so với dự kiến. Trong Morrowind cũng có hệ thống tỉ lệ cấp độ này trên các sinh vật nhưng vẫn giữ các vật phẩm huyền thoại (ví dụ như Kiếm Umbra và Giáp Lord's Mail) cố định; khiến cho việc lấy được các món đồ này có thể được thực hiện ở bất kỳ cấp độ nào (trong Oblivion thì cấp độ càng cao càng khó lấy các vật phẩm huyền thoại).

Một mục tiêu chính khi tập trung phát triển Oblivion là làm cho lối chơi trở nên đơn giản hơn và cân bằng hơn Morrowind, đặc biệt là hệ thống chiến đấu. Hệ thống kỹ năng của phần bốn này thì tương tự như phần ba, nhưng số lượng kỹ năng thì lại ít hơn. Các kỹ năng như sử dụng giáp loại trung bình, không mang giáp, và kỹ năng dùng thương được loại bỏ hết, đoản kiếm và trường kiếm được kết hợp lại thành kỹ năng kiếm, và kỹ năng dùng rìu được sáp nhập với kỹ năng dùng vật nặng. Các cấp độ làm chủ kỹ năng mà người chơi được thưởng khi một kỹ năng nào đó đạt đến cấp độ nhất định (cụ thể là 25, 50, 75, 100) lần đầu được giới thiệu trong Oblivion. Hệ thống chiến đấu được tân trang, với việc bổ sung các đòn tấn công mạnh (nhất là khi người chơi đã đạt đến các cấp độ làm chủ) và bỏ đi phong cách cận chiến khác nhau từng có trong Morrowind. Tấn công tầm xa bằng cung được thay đổi với khả năng bắn trúng dựa trên kỹ năng ngắm bắn của người chơi hơn là điểm kỹ năng của nhân vật. Các loại giáo mác, vũ khí ném, và nỏ được bỏ đi hết để thay thế bằng cung; sự lựa chọn này bắt nguồn từ mong muốn "cho cảm giác sử dụng vũ khí tầm xa gần như hoàn hảo nhất có thể" nhằm tận dụng engine vật lý Havok một cách tối đa. Kỹ năng đỡ đòn (khóa đòn) thụ động trong Morrowind trở thành một cơ chế chủ động trong lối chơi của Oblivion, được kích hoạt khi nhấn nút, nó khiến đối phương bị giật lại (khi đánh phải người chơi) và để lộ ra sơ hở cho người chơi có thể tấn công tiếp. Yểm bùa vật phẩm, kỹ năng mà các vật phẩm được tăng cường một sức mạnh đặc biệt đã không được giữ lại trong Oblivion; thay vào đó vật phẩm được yểm bùa thông qua các quá trình cụ thể của cốt truyện hoặc trong Mages Guild (Hội Pháp Thuật). Khả năng "quên" (hóa giải) các phép thuật cũng không có trong phần IV này. Phần lớn các thay đổi này trong lối chơi đều được đón nhận tích cực. GameSpot bình luận điểm mạnh của game trên từng lối chơi, nhận thấy rằng cách đánh cận chiến "nhanh và mượt mà hơn" Morrowind, kiểu chơi lén lút "ít nhất cũng thỏa mãn" như chơi cận chiến, và chiến đấu bằng phép thuật thì đa dạng và không quá phức tạp.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: The Elder Scrolls IV: Oblivion http://www.next-gen.biz/features/japan-oblivion-an... http://g4tv.com/thefeed/blog/post/628495/G-Phoria-... http://www.gamerankings.com/htmlpages2/927345.asp http://www.gamerankings.com/pc/924363-the-elder-sc... http://www.gamerankings.com/ps3/934605-the-elder-s... http://www.gamerevolution.com/features/best_of_200... http://au.gamespot.com/ps3/rpg/theelderscrollsivob... http://au.gamespot.com/special_features/bestof2006... http://au.gamespot.com/special_features/bestof2006... http://uk.gamespot.com/pc/rpg/theelderscrollsivobl...